1. Tiếp cận mô hình nhà trường

Theo tiếp cận lí thuyết hệ thống, mỗi nhà trường là một hệ thống bao gồm nhiều hệ thống nhỏ hơn (các thành tố), có quan hệ, tác động qua lại với nhau; đồng thời, mỗi nhà trường lại là một hệ thống nhỏ trong những hệ thống lớn hơn. Cũng theo lí thuyết hệ thống, chỉ có những hệ thống “mở” mới có thể tồn tại lâu dài và phát triển.

Theo đó, để nghiên cứu, tác động vào nhà trường phổ thông thì phải tìm hiểu hệ thống tổ chức, chức năng, các sản phẩm hoạt động của các bộ phận trong nhà trường và mối quan hệ của các bộ phận ấy; mặt khác, phải xem xét nhà trường như là một hệ thống mở, chịu sự lãnh đạo, quản lí của các cơ quan cấp trên, đồng thời chịu ảnh hưởng và có các mối liên hệ tác động qua lại với các nhà trường khác, các thành tố tự nhiên, các thành phần xã hội và môi trường văn hoá của địa phương. Đó cũng là cách tiếp cận nhà trường như là một tổ chức/đơn vị hoạt động giáo dục với các yếu tố: đầu vào, quá trình và kết quả hoạt động.

Từ những trải nghiệm của dự án Trường học mới Việt Nam những năm 2012 – 2016 và những thực tế đổi mới khác của giáo dục phổ thông Việt Nam những năm gần đây, trước những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 12 năm 2018, VIGEF, thông qua các hoạt động hỗ trợ sẽ tác động đến những thành tố và các mối quan hệ cơ bản nhất, đồng thời diễn đạt nội dung của từng thành tố và từng mối quan hệ đó theo cách có thể dễ nhận thấy và đánh giá được sự tiến bộ của các trường phổ thông, gồm: Lãnh đạo; Giáo viên (GV); Học sinh (HS); Tài chính (TC) và cơ sở vật chất (CSVC); Quan hệ với gia đình (GĐ) và cộng đồng (CĐ) để góp phần phát triển các nhà trường theo mô hình VINES. Trong quá trình hoạt động hoạt động của mình, VIGEF cũng sẽ quan tâm việc đánh giá, rút kinh nghiệm để có thể nêu các khuyến nghị chính sách với các cấp quản lí với mong muốn cải thiện môi trường môi trường pháp lí của VINES trong tương lai.

2. Những kì vọng chính về VINES

Hỗ trợ phát triển VINES sẽ hướng tới xây dựng, hoàn thiện và phát triển nhà trường theo 5 thành tố cơ bản sau:

2.1. Lãnh đạo

Tổ chức và phát triển: Hội đồng trường được thành lập và hoạt động theo đúng qui định của pháp luật; Hiệu trưởng biết tự đánh giá để phát triển năng lực bản thân và phát triển nhà trường;

Tầm nhìn và sứ mạng: Xây dựng và công khai tầm nhìn và sứ mạng nhà trường thể hiện sự sáng tạo, rõ ràng và thuyết phục; phát triển nhà trường gắn/phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương; phát huy bản sắc và hội nhập;

– Tự chủ: Có năng lực tự chủ về tài chính, nhân sự và hoạt động giáo dục theo qui định của pháp luật;

– Kết quả giáo dục:Hiện thực hoá tầm nhìn và sứ mạng nhà trường một cách hiệu quả thông qua hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động và chương trình giáo dục nhà trường hằng năm theo phương châm dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và giải trình minh bạch;

– Lan toả: Hợp tác và lan toả ảnh hưởng tốt đến các trường học khác trên cùng địa bàn và toàn quốc.

2.2. Giáo viên

– Cơ cấu và trình độ:Bảo đảm số lượng, cơ cấu và trình độ đào tạo theo qui định của pháp luật;

– Phương pháp giáo dục:Thực hiện nhiệm vụ giáo dục bằng các hình thức tổ chức dạy học và phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp tự học của HS: Phương pháp giải quyết vấn đề, dạy học STEAM, dạy học dựa trên dự án, dạy học dựa trên nghiên cứu khoa học kĩ thuật, phương pháp bàn tay nặn bột (hands on), hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp,…; đánh giá HS theo nguyên tắc vì sự tiến bộ của người học; kỉ luật tích cực;

– Tự chủ và học tập suốt đời: Là tập thể gắn bó và học tập suốt đời, phát triển năng lực tự chủ và chuyên nghiệp trong thực hiện chương trình giáo dục qua sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học;

– Khả năng thích ứng: Tư duy phản biện và sáng tạo, kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kĩ năng giao tiếp và hợp tác, kĩ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ, trách nhiệm cá nhân và đa  dạng văn hóa,…

– Đạo đức nghề nghiệp: Gương mẫu về mọi mặt, có uy tín đối với HS và PHHS.

2.3. Học sinh

– Tự chủ, tự học: Cá nhân tự tin, tự trọng, tự học; tập thể tự chủ “của HS, vì HS và do HS” dưới sự hướng dẫn của GV;

– Năng khiếu:Lựa chọn hoạt động đều đặn trong các câu lạc bộ khoa học kĩ thuật, văn nghệ, thể thao,… để phát huy tốt nhất năng khiếu và khả năng sáng tạo của cá nhân;

– Kĩ năng thế kỉ 21:Học tập rèn luyện dưới nhiều hình thức và phương pháp giáo dục tiên tiến để phát triển các kĩ năng của thế kỉ 21: tự tin, tư duy phản biện, sáng tạo, phát hiện và giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác, ngoại ngữ, tin học,thích ứng với sự thay đổi và phát triển bền vững;

– Sức khoẻ:Bảo đảm phát triển sức khoẻ thể chất và tinh thần; được phát hiện và can thiệp sớm các khó khăn học tập đặc thù;

– Quyền trẻ em:Không có HS bị “bỏ lại phía sau”, không có HS bị bạo hành/trừng phạt về thể chất và tinh thần.

2.4. Tài chính và cơ sở vật chất

– Tài chính: Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính ngay từ đầu năm theo phương châm: tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng pháp luật;

– Khối công trình: Có đủ và bảo đảm an toàn, tiện lợi của các khối công trình: phòng học, thư viện, phòng thiết bị, khu/nhà vệ sinh, nhà/khu văn phòng/hành chính và đoàn/đội, hệ thống cung cấp nước,không gian tích hợp.

– Vệ sinh – Môi trường: Quang cảnh nhà trường “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; Các phòng học bảo đảm sáng, mát, được trang bị đủ và an toàn sử dụng bàn ghế, bảng, phương tiện nghe nhìn; Nhà vệ sinh đủ và riêng nam/nữ, riêng GV/HS, luôn sạch nhờ đủ nước, xà phòng và dọn thường xuyên; phân loại và xử lí rác thải,…

– Thư viện:Có thư viện trường, thư viện lớp học, thư viện thân thiện, thư viện xanh với sách in, sách bản mềm và intermet, phục vụ chuyên nghiệp và hiệu quả cho HS và GV.

– Trang thiết bị: Đồ dùng dạy học đủ cho các môn học và hoạt động trải nghiệm, bao gồm các vật thật, mô hình, tranh ảnh truyền thống và các phần mềm, thiết bị ảo, multimedia, máy tính; Nhà/khu vui chơi – thể thao bảo đảm diện tích, phương tiện cho HS học tập thể dục chính khoá và hoạt động ngoài giờ học.

2.5. Quan hệ với gia đình và cộng đồng

Tin cậy: Nhà trường làm cho GĐ và CĐ hiểu rõ và đồng thuận với/về tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường; mục tiêu, nội dung, giải pháp đổi mới giáo dục, đổi mới nhà trường;

– Trách nhiệm: Lãnh đạo địa phương và các tổ chức, đoàn thể địa phương thực hiện trách nhiệm tham gia, góp ý trong việc điều chỉnh tầm nhìn, sứ mạng, xây dựng kế hoạch hoạt động và chương trình giáo dục hằng năm của nhà trường; là lực lượng tích cực trong các hoạt động giáo dục;

– Hợp tác, phát triển: GĐ và thành viên các tổ chức, đoàn thể địa phương đều đặn/thường xuyên đến thăm trường và chủ động phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục HS ở nhà, ở cộng đồng; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cùng các hoạt động tập thể khác của HS;

– Hỗ trợ và hiệu quả: Nhà trường huy động được nhiều, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích và công khai các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội; GV và HS tham gia các hoạt động của cộng đồng/địa phương với sự nhiệt tình và trách nhiệm cao.

– Trao đổi thông tin: Nhà trường và GV có nhiều hình thức giữ liên lạc thường xuyên và thông suốt với GĐ và các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng để phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục; xử lí thoả đáng mọi thắc mắc về nhà trường xuất phát từ GĐ và CĐ.