NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

Ngày đăng

21/10/2022

Trong những năm qua, nhiều hoạt động tập huấn mô hình “Trường học hạnh phúc” đã được triển khai, nổi bật trong số đó là Chương trình đào tạo của Quỹ Hỗ trợ Đổi mới GDPT Việt Nam (VIGEF). Nhằm tìm hiểu thêm về mô hình, báo Đội đã có cuộc phỏng vấn với Chuyên gia Giáo dục Đặng Tự Ân-Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam (VIGEF), Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&Đ)

PV: Thưa Ông Đặng Tự Ân, được biết VIGEF hiện đang triển khai dự án “Trường học hạnh phúc” (THHP), tập huấn cho 10.000 giáo viên trên toàn quốc. Vậy mục tiêu hướng đến của dự án này là gì?

Chuyên gia Đặng Tự Ân: Không phải tập huấn cho 10.000 giáo viên như bạn hiểu mà mục tiêu của dự án “Trường học hạnh phúc” là đào tạo 10.000 Hiệu trưởng các trường phổ thông trong toàn quốc có đủ cơ sở lý luận cũng như trải nghiệm xây dựng THHP ngay tại trường học do chính các học viên đang trực tiếp quản lý.

Sau hai năm dự án kết thúc, chúng tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi đáng kể môi trường các nhà trường. Đời sống học đường sẽ vui vẻ hơn, sống thân ái và hạnh phúc hơn. Sẽ không còn những nhà trường chỉ lo dạy chữ, ít chú ý dạy người. Không còn nhà trường với quá trình giáo dục phải căng mình ra, phải làm tất cả cho mục tiêu học vì điểm số, vì đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Dự án có tham vọng đào tạo hàng vạn Hiệu trưởng để xây dựng Trường học hạnh phúc, đồng nghĩa với một nửa số các trường, một nửa số giáo viên và một nửa số học sinh trong cả nước được lan tỏa và được hạnh phúc ngay còn khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như mang theo các em vào đời, hòa nhập vào cuộc sống tương lai.

Ông Đặng Tự Ân và các chuyên gia tham gia đào tạo dự án THHP

PV: Sau khóa tập huấn, thầy cô giáo sẽ nhận được những thông tin hữu ích nào để biến mỗi cơ sở giáo dục thành Trường học hạnh phúc?

Chuyên gia Đặng Tự Ân: Xây dựng mô hình Trường học Hạnh phúc – Happy Schools được tổ chức UNESCO khuyến cáo vào đầu năm 2017, tại Báo cáo thường niên: “Trường học Hạnh phúc: Khuôn khổ cho người học ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Từ cảm hứng của Báo cáo, TS. Kim Gwang Jo, Giám đốc UNESCO khu vực tại Bangkok (Thái Lan) đã nghiên cứu và xây dựng Dự án mô hình THHP nhằm kêu gọi thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục các quốc gia, theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho người học. Rõ ràng, việc vươn tới ước mơ lớn nhất của con người là cảm nhận và tìm được ý nghĩa Hạnh phúc trong học tập và trong cuộc sống.

Dự án như một sáng kiến toàn cầu với tầm nhìn xa hơn về các lĩnh vực học tập theo cách truyền thống, đặc biệt xem xét mối quan hệ tương tác giữa Hạnh phúc và Chất lượng giáo dục và được coi là mục tiêu xuyên suốt của Dự án mô hình THHP. Giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài mục tiêu chiến lược của UNESCO, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT nhằm hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho mỗi HS.

Nội dung tập huấn Hiệu trưởng chúng tôi dựa vào cuốn sách  “Hiệu trưởng – Người gieo mầm Hạnh phúc” do VIGEF biên soạn, phát hành và được xây dựng trên cơ sở nội dung do chuyên gia thuộc VIGEF trình bày tại các hội thảo chuyên đề THHP tại 12 tỉnh, thành phố với gần 60.000 CBQL giáo dục, GV tham dự. Hạnh phúc và THHP là chủ đề rộng lớn, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong cuốn sách này, chúng tôi chọn hướng tiếp cận theo quan điểm tâm lí học tích cực, tâm lí học nhân văn cùng những phương pháp tâm lí học xã hội. Cùng với đó, nguyên tắc vàng “Hiệu trưởng – người lan tỏa Hạnh phúc” trong mỗi nhà trường là điểm tựa cho cuốn sách. Theo đó, Hiệu trưởng chính là người khởi xướng, người kiến tạo THHP cho chính ngôi trường của mình. Việc bồi dưỡng Hiệu trưởng để họ có cách nhìn khoa học và những kĩ năng rèn luyện Hạnh phúc cho bản thân là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhất hiện nay.

Nội dung cuốn sách cũng là nội dung tập huấn đã trở thành cuốn sách gối đầu giường, sách tra cứu của mỗi học viện hay mỗi Hiệu trưởng các trường phổ thông.

PV: Sau 3 tháng triển khai, dự án “Trường học hạnh phúc” của VIGEF đã đạt được những thành tựu gì cụ thể, thưa ông?

Chuyên gia Đặng Tự Ân: Kế hoạch tập huấn đào tạo Hiệu trưởng xây dựng THHP của chúng tôi kết hợp giữa hình thức học trực tiếp và học trực tuyến, cụ thể :

Học trực tiếp một ngày trong hai buối do các Chuyên gia THHP của Trung ương hướng dẫn trực tiếp tại 28 huyện, quận của 7 tỉnh, Tp. Sau đó có 6 tháng các Hiệu trưởng vừa làm quản lý ở trường vừa làm bài tập trải nghiệm THHP với sự hỗ trợ trực tuyến của các giảng viên Trung ương. Tới tháng 11/2022 VIGEF mới tổng kết đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho 1.500 học viên của giai đoan I. Tuy nhiên, qua thông tin quản lý lớp học thông qua phần mềm quản lý trực tuyến có những nhận định như sau:

Các học viên rất hào hứng tham gia lớp học và có những thay đổi lớn về nhận thức và về cách làm xây dựng THHP, không còn suy nghĩ mơ hồ khi hiểu về khái niệm hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc nhà trường. Tâm sự của Cô Hiệu trường ở tỉnh Khánh Hòa có ghi:

“ Đọc một cuốn sách hay cũng như trò chuyện với một người thông minh”  (Lép-Ton-Xtoi).

Thật vậy, tôi thực sự hạnh phúc khi đọc cuốn sách “ Hiệu trưởng-Người gieo mầm hạnh phúc” của tác giả Đặng Tự Ân. Bằng tất cả tâm huyết của một nhà giáo dục, với hành văn mộc mạc, dễ hiểu, tác giả nói hộ tiếng lòng của người mong muốn Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, GV và HS hạnh phúc rộng khắp cả nước.

Tôi đã đọc nó một cách chậm rãi, không đọc lướt, có đoạn phải đọc tới đọc lui cho ngấm vào người . . . như đoạn : “ Một buổi sang đẹp trời, một nụ cười thân thiện của đồng nghiệp, một cái nhìn yêu thương chạm vào mắt nhau của thày và trò . . . đã cho ta hạnh phúc, dù đó là điều nhỏ bé. Hãy chọn cho ta một cuộc sống bình dị và sống đam mê, ham muốn những điều tích cực, rồi mai sau hạnh phúc sẽ lớn hơn sẽ dến với bạn và trường của bạn”.

PV: Được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019, đến nay mô hình “Trường học hạnh phúc” có những tiêu chí mới nào không, thưa Ông ?

Chuyên gia Đặng Tự Ân: Công đoàn giáo dục Việt Nam đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cuộc vận động trong toàn ngành về xây dựng THHP theo 3 nhóm tiêu chí từ năm 2019. Tuy nhiên VIGEF chúng tôi đã kết hợp nhóm tiêu chí của Công đoàn ngành với nhóm tiêu chí của UNESCO để tập huấn đào tạo Hiệu trưởng.

Mô hìnhTHHP được UNESCO khuyến cáo nhằm kêu gọi thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục các quốc gia theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. THHP là nơi thầy cô và HS vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày GV và HS đến trường là một niềm Hạnh phúc.

Tiêu chí đánh giá: Mô hình THHP của UNESCO gồm 22 tiêu chí thuộc 3 lĩnh vực (3 chữ P): P1 – People (Con người), P2 – Process (Hệ thống) và P3 – Place (Môi trường).

Đối với THHP theo 3 chữ P của UNESCO có thể hiểu là nơi chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa GV với HS, giữa GV với GV, giữa GV với Ban giám hiệu nhà trường, giữa GV với phụ huynh; THHP là nơi có các quy trình, chính sách, hoạt động dạy học, quản trị nhân sự, quản trị hành chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục… được thiết kế để vận hành ngôi trường và là nơi có không gian vật chất và không gian văn hóa trường học giúp cho nhà trường là một môi trường an toàn, thân thiện với HS.

Ba nhóm tiêu chí THHP của UNESCO

PV: Cảm ơn chuyên gia Đặng Tự Ân đã dành thời gian chia sẻ cùng báo Đội về THHP.

Nguồn: Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng