Lắng nghe để tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục

Ngày đăng

08/11/2021

Các ý kiến đã góp phần làm sáng rõ hơn những vấn đề vệt bài đặt ra. Tòa soạn trích đăng một số ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về vấn đề này.

Ông ĐẶNG TỰ ÂN, Giám đốc Quỹ Quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông:

Triết lý giáo dục Việt Nam đã tồn tại và phát triển cùng sự tồn tại và phát triển của dân tộc


Chúng tôi đánh giá cao chủ trương đăng tải một loạt bài viết mang ý nghĩa tiền đề, giúp cho xã hội, toàn ngành giáo dục và các nhà trường có được sự đồng thuận cao về quan điểm, định hướng đổi mới giáo dục mang tính cốt lõi. Năm học 2021-2022 là năm học thứ 2 triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nên những ý kiến của các chuyên gia giáo dục có tác động tích cực đối với việc triển khai công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay.

Lắng nghe để tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục
 Ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông

Triết lý giáo dục có liên quan tới Triết học, Khoa học giáo dục, vốn là những lĩnh vực rất khó của nhân loại vì liên quan tới hầu hết các kiến thức về tự nhiên, con người và xã hội loài người. Do đó, quá khó để tìm ra những câu trích dẫn phổ thông, dễ hiểu để thành câu nói kinh điển về triết lý giáo dục của Việt Nam.

Nói như vậy, không có nghĩa giáo dục Việt Nam không có triết lý giáo dục, nên mất phương hướng. Một báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng: Nền giáo dục Việt Nam, triết lý giáo dục Việt Nam đã tồn tại và phát triển cùng sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, nền giáo dục Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp trồng người, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở Việt Nam triết lý giáo dục nên hiểu theo nghĩa rộng với nội hàm của nó, có thể là: Hệ thống quan điểm, chủ trương, phương hướng giáo dục nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế của sự phát triển của Việt Nam và thời đại. Tất cả những vấn đề này được nêu đầy đủ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Cũng cần lưu ý rằng triết lý giáo dục có nhiều cấp độ và phân loại theo từng chủ thể giáo dục như: Triết lý cho từng cấp học; triết lý nội dung và phương pháp dục; triết lý người học hay triết lý người dạy; triết lý của các nhà quản lý giáo dục.

Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21, giáo dục Việt Nam đã chuyển mình, bước đầu đã có những khởi sắc và nhân tố mới. Chúng ta đã tiếp cận và vận dụng lý luận giáo dục hiện đại của các nước phát triển tiên tiến trên thế giới vào công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Mô hình chủ yếu là truyền tải kiến thức của giáo dục truyền thống, mang tính nhồi nhét, lạc hậu, kìm hãm sự sáng tạo của học sinh đã được chuyển đổi sang mô hình Trường học mới, với cách dạy học tích cực hóa người học, rèn luyện tư duy, chủ động, tự chủ, tự học cho học sinh. Xã hội hóa giáo dục, dạy học qua trải nghiệm, đẩy mạnh quản trị nhà trường là những nét đặc trưng của mô hình trường học này. Thành quả lớn nhất kể đến là Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 đã được thông qua và bắt đầu đi vào cuộc sống trong xã hội và ở các nhà trường.

GS, TS, NGND NGUYỄN LÂN DŨNG, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực:

Lắng nghe ý kiến chuyên gia, người dân để hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục


Qua 4 bài trao đổi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục, tôi thấy một bức tranh khá đầy đủ về hiện thực giáo dục nước nhà, các tồn tại, khó khăn, các yêu cầu cần đổi mới và phát triển giáo dục. Tuy nhiên, nếu muốn làm sáng tỏ triết lý giáo dục của riêng nền giáo dục Việt Nam thì ý kiến còn chưa thống nhất.

Lắng nghe để tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục
 GS,TS,NGND, Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hộ đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực 

Tôi xin đưa ra ý kiến riêng của mình. Tôi đã đọc nhiều lần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi thấy Bác đã nêu lên khá đầy đủ mục tiêu của nền giáo dục nước nhà. Đó là: Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng, vừa chuyên. Như vậy là Bác đã nhấn mạnh mục đích của nhiệm vụ giáo dục.

Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp đầu năm học mới (16-10-1956), Bác nói rõ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Tôi thiết nghĩ phải chăng đây chính là triết lý giáo dục của chúng ta.

Để thực sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về học thật, thi thật, theo tôi cần thực hiện tốt các việc sau đây: Một là, đã đủ thời gian, tuy chưa nhiều lắm, để xem lại chương trình các môn học, liệu có chênh lệch nhiều với mức độ các nước khác có số năm học và số tuổi học sinh giống như Việt Nam hay không, có thua kém nhiều so với chương trình giáo dục ở các nước phát triển hay không. Nếu thấy cần thiết thì bổ sung và sửa chữa. Hai là, qua thực tế giảng dạy cần lắng nghe ý kiến của các thầy cô giáo về từng bộ sách giáo khoa, để có sự bổ sung và sửa chữa và chọn lọc phù hợp nhất. Ba là, chất lượng giáo dục quyết định đầu tiên bởi thầy cô giáo. Do đó, vấn đề chăm lo, tuyển chọn và bồi dưỡng giáo viên có chất lượng cần được đặc biệt quan tâm. Bốn là, muốn học thật thì thầy và trò đều phải hiểu rằng chúng ta đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không học thật thì làm sao hòa nhập được vào sự phát triển của kỷ nguyên số, làm sao có thể góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như của tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Lắng nghe để tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục
  Học sinh Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội đón khai giảng năm học (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)


PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ:

Cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, nhất là giáo dục trẻ em


Báo Quân đội nhân dân đã có vệt bài đi đúng và trúng vào vấn đề mang tính bản chất của giáo dục hiện nay. Qua tiếng nói của các chuyên gia giáo dục, dù có chỗ cần tranh luận thêm nhưng phải khẳng định đó là những vấn đề ngành giáo dục cần tiếp thu hoặc tháo gỡ. Từng nhiều năm là giáo viên phổ thông, nay vẫn đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở một số trường đại học, tôi thấu hiểu và lạc quan về tương lai giáo dục nước nhà.

Lắng nghe để tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục
 PGS, TS Nguyễn Thanh Tú.

Là người nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi cho rằng ngành giáo dục cần quán triệt sâu sắc hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng Bác Hồ về giáo dục. Bác viết: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành, là ngoan”. Động từ “biết” đứng trước rất có ý nghĩa thể hiện tính chủ động của chủ thể trẻ em. Về cách dạy học, Bác nói: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa”. Theo tôi, nhà trường phổ thông hiện nay rất coi nhẹ giáo dục học sinh “chuộng lao động”. Ngay cái việc học sinh phải trực nhật lớp, sắp xếp cho sạch sẽ ngăn nắp phòng mình học, nhà trường cũng thuê người làm giúp. Làm thế chúng ta để mất một dịp thuận lợi rèn cho học sinh ý thức về lao động và các thao tác lao động đơn giản nhất. Một vấn đề mà Bác đặt ra đến nay vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Đó là trẻ em hôm nay có “một triệu chứng già sớm”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là “quá tải” về khối lượng kiến thức học, khiến trẻ không còn thời giờ để chơi. Bác nhấn mạnh: “Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội, chúng đều vui đều học”. Ý kiến Bác rất khoa học, không chỉ đúng với lý luận dạy học mà còn đúng với tâm học trẻ thơ. Hơn lúc nào hết, lời Bác Hồ dạy phải là phương châm không chỉ cho riêng ngành giáo dục mà là của toàn dân, toàn xã hội.