HỘI THẢO “HIỆU TRƯỞNG – NGƯỜI GIEO MẦM HẠNH PHÚC”

Ngày đăng

26/05/2023

Hà Nội, ngày 20.5.2023, Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông phối hợp với công ty Genetica Châu Á đã tổ chức hội thảo quốc tế “Hiệu trưởng – Người ươm mầm hạnh phúc”. Hội thảo quốc tế có sự tham gia của hơn 150 đại diện các cơ quan trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo từ các tỉnh thành khác nhau, đại diện UNESCO, UNICEF, các tổ chức và chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và đặc biệt là các hiệu trưởng và các thầy cô từ các trường học các cấp.

………..

Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc (THHP) là một chủ trương lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhằm xây dựng môi trường văn hoá học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. Cách tiếp cận xây dựng trường học hạnh phúc sẽ thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục quốc gia, theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho người học, giúp cho người học cảm nhận và tìm được ý nghĩa Hạnh phúc trong học tập và trong cuộc sống.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam chia sẻ “Là một xu thế được ghi nhận trên toàn thế giới, nhưng tại Việt Nam, màu sắc Trường học hạnh phúc còn chưa rõ nét. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để đưa trường học hạnh phúc vào chiến lược giáo dục Việt Nam tới năm 2035 (đang chuẩn bị được trình chính phủ phê duyệt) – đây chính là nỗ lực theo xu hướng để thúc đẩy đổi mới phương pháp quản lý giáo dục học sinh, giảng dạy, v.v. đảm bảo để người học cảm nhận được hạnh phúc. Trường học hạnh phúc không chỉ là dành cho học sinh, mà còn dành cho giáo viên, thầy cô có vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể làm cho học trò của mình hạnh phúc được. Để có trường học hạnh phúc, từ khoá là “thay đổi” – từ khoá quan trọng để có thể chuyển hoá đổi mới giáo dục, và nỗ lực này phụ thuộc vào hiệu trưởng rất nhiều, không chỉ tập trung vào quản lý giáo dục mà còn là xây dựng văn hoá hạnh phúc trong nhà trường. Hội thảo “Hiệu trưởng – người ươm mầm hạnh phúc” của VIGEF là cách tiếp cận truyền cảm hứng và thúc đẩy những hiệu trưởng thay đổi” Là một trong các đơn vị tiên phong, tôi rất hoan nghênh với nỗ lực của Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) trong thúc đẩy các mô hình trường học hạnh phúc và giúp mô hình này lan toả hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tích công đoàn giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc

Trong chương trình chính, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giao Trung ương với bài tham luận “Trường học hạnh phúc, góc nhìn từ mục tiêu phát triển con người Việt Nam và biểu hiện trong Chương trình Giáo dục Phát triển 2018”. PGS TS Hoàng chia sẻ “Học tập trước đây là nỗ lực, là thức khuya dậy sớm, vất vả, để đạt được kết quả cao, nhưng giờ đây, cách tiếp cận trường học hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người học, để khơi mở, chinh phục các kiến thức và trải nghiệm học tập một cách vui vẻ và chủ động”. Ông Hoàng liệt kê 1 loạt các từ khoá trong xây dựng phát triển con người Việt Nam theo hiến pháp từ Dân giàu, dân chủ, làm chủ, yêu nước, tới sức khoẻ, tri thức, đạo đức, phẩm chất năng lực, phát triển toàn diện .v.v. và khẳng định Trường học hạnh phúc, để mỗi con người được phát triển toàn diện ngay từ khi nhà trường là phương pháp để phát triển con người Việt Nam.

Ông Lê Huy Hoàng – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tham luận tại Hội thảo

Báo cáo đánh giá độc lập giai đoạn 1 Dự án Trường học hạnh phúc do Quỹ VIGEF thực hiện, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Giám đốc Ban đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ “Dự án THHP do VIGEF thực hiện có cách tiếp cận rất đặc biệt, thách thức nhưng hiệu quả – đó là tiếp cận vào hiệu trưởng – người lãnh đạo nhà trường, góp phần thay đổi về hệ thống và cách tiếp cận về xây dựng trường học hạnh phúc – đây cũng là khuyến nghị quan trong của UNESCO khi phát triển THHP. Toàn bộ dự án rất tham vọng hướng tới thay đổi 10,000 hiệu trưởng và giai đoạn 1 đào tạo được tới 1,245 hiệu trưởng tại 7 tỉnh thành tạo nên những người tạo nên sự thay đổi, ươm mầm hạnh phúc trong nhà trường. Chu kỳ “ươm mầm” và phát triển các hiệu trưởng là từ 4-6 tháng, trong đó các hiệu trưởng sẽ được đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng xây dựng THHP, và hỗ trợ xây dựng THHP để lan toạ tới giáo viên và xây dựng THHP tại địa phương. Đặc biệt, VIGEF đã xây dựng được bộ tài liệu “Hiệu trưởng – người gieo mầm hạnh phúc” và 25 bài giảng bài học trên LMS với sự tham gia đồng bộ của các học viên, 1000 trao đổi thảo luận chuyên sâu giúp dự án đảm bảo tính hiệu quả, lan toả, bền vững”. 

Thảo luận kinh nghiệm của UNESCO, bà Satoko Yahno, TS. Chuyên gia cao cấp chương trình giáo dục UNESCO nhấn mạnh “Trường học hạnh phúc chính là xu hướng đổi mới giáo dục trên toàn cầu – thúc đẩy một hệ thống toàn diện hướng tới hạnh phúc, đảm bảo sự phát triển khoẻ mạnh, lành mạnh và toàn diện, đi kèm tiên bộ học tập tại các trường học địa phương. Trường học hạnh phúc sẽ đảm bảo người học hạnh phúc sẽ không ngừng học hỏi, còn người dạy hạnh phúc sẽ luôn giữ được sự nhiệt huyết trong việc truyền tải và lan toả kiến thức tới người học. Việc này không những sẽ giảm tác động tiêu cực từ khối lượng học tập, căng thẳng trong kỳ thi, giảm trí nhớ, v.v. công nhận và kiến tạo hạnh phúc thúc đẩy giáo dục chất lượng hơn và thắt chặt mối quan hệ giữa hạnh phúc, sức khoẻ và chất lượng học tập”.

Bổ sung bài chia sẻ của bà Satoko, ông Đặng Tự Ân, chủ tịch hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ VIGEF hướng dẫn về việc áp dụng một số các khung phương pháp để áp dụng xây dựng THHP như khung Bình phương EMC trong việc thay đổi cách làm việc hay học tập trở nên hạnh phúc bằng những hành động tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc, trong đó E là Empathy – sự thấu cảm chân thành, M- Mindfulness – chánh niệm hay sự quan tâm tận tâm; và C- Compassion – Lòng trắc ẩn, dựa trên sự đồng cảm và sự quan tâm nhưng hiện thực hoá thành hạnh động, hay Mô hình 4P xây dựng trường học hạnh phúc với P1 – Principles – Những nguyên tắc tích hợp văn hoá học đường vào nhà trường, P2 – People: Con người bao gồm giáo viên, học sinh và phụ huynh; P3 – Process: Quy trình dạy học qua thực hành và trải nghiệm và P4 – Place: địa điểm nơi chốn học sinh học tập. Ông Ân cũng chia sẻ 5 thông điệp của THHP bao gồm:

  1. Tiêu chí đầu ra cơ bản của THHP bao gồm Phát triển tư duy và Rèn luyện hạnh phúc cho người học
  2. Xây dựng THHP cần tiếp cận mang tính Hệ thống trong suốt quá trình quản lý, dạy học cũng như môi trường giáo dục
  3. Người học và Người dạy khoẻ mạnh, lành mạnh và hạnh phúc sẽ giúp cho học tập có chất lượng và thúc đẩy học tập suốt đời
  4. Thúc đẩy suy nghĩ tích cực và hoạt động mang tính cộng đồng, sẽ chống lại văn hoá thành tích/ thi đua và đẩy lùi áp lực học tập
  5. Hỗ trợ của Chính phủ và kiên định mục tiêu phát triển nhà trường đổi mới là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của THHP

Ở phần 2 của chương trình, thảo luận bàn tròn về chủ đề “Hiệu trưởng – Người ươm mầm hạnh phúc” gồm các diễn giả:

  • Ông Nguyễn Ngọc Ân – chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
  • Bà Lê Anh Lan – UNICEF Việt Nam
  • Bà Trần Hương Thảo – Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam
  • Bà Trần Thị Thuý Nga – Sở Giáo dục. và Đào tạo Hà Tĩnh
  • Ông Hà quang Vinh – Hiệu trưởng trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên
  • Ông Đỗ Mạnh Cường – Công ty Genetica Châu Á
Tọa đàm về trường học hạnh phúc

và bà Nguyễn Phương Linh – Phó chủ tịch Hội đồng quản lý VIGEF điều hành

Toạ đàm chia sẻ các quan điểm về khả năng áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu của THHP vào Việt Nam, sự tham gia của các bên liên quan và quá trình hiện thực hoá THHP thông qua đầu tư vào các hiệu trưởng – người gieo mầm hạnh phúc.

Thảo luận về khả năng áp dụng các tiêu chuẩn trường học hạnh phúc tại Việt Nam, bà Lê Anh Lan, đại diện UNICEF hoặc bà Trần Hương Thảo, đại diện tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế đều khẳng định việc xây dựng trường học hạnh phúc tại Việt Nam là rất khả thi. Bà Lê Anh Lan cho rằng thực ra hành trình xây dựng trường học hạnh phúc của Việt Nam đã bắt đầu từ lâu, có thể bằng những cái tên khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng đều hướng đến việc tạo hạnh phúc cho người học, phát triển học sinh và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Bà Trần Thuý Nga – Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chia sẻ “Kinh nghiệm thành công trong địa phương hoá, nội địa hoá trường học hạnh phúc cần sự hệ thống hoá chung tay từ Trung ương tới địa phương, sự phối hợp của tất cả các bộ ban ngành, thống nhất xây dựng THHP tại tất cả các cấp học và rất quan trọng là sự đồng thuận, đồng lòng từ nhà trường tới học sinh và gia đình. Trong quá trình này, người hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo và thúc đẩy sự thay đổi”.

Với vai trò đại diện tiếng nói của thầy hiệu trưởng thúc đẩy mô hình trường học hạnh phúc thành công tại THPT Đức Hợp, Hưng Yên, thầy Hà Quang Vinh chia sẻ “Để nuôi được tâm huyết, giữ lửa, người làm hiệu trưởng cần hạnh phúc từ chính tâm thức của mình, chính mình cảm thấy hạnh phúc mới lan toả được tới những người xung quanh và biến nhận thức thành hành động” Thầy Vinh cũng mở rộng “Nói tới trường học hạnh phúc chúng ta thường hay nghĩ tới chủ thể là người thầy và trò, thực ra THHP cần là một văn hoá bao trùm trong môi trường học tập, khiến tất cả mọi người từ thầy cô, học sinh tới những người bảo vệ, tạp vụ trong trường đều cảm nhận được hạnh phúc và lan toả những năng lượng tích cực. Ngoài ra, phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đồng hành cùng nhà trường tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc”.

Thảo luận về đầu tư cho hiệu trưởng, tạo điều kiện để họ tận tâm tận lực cho việc xây dựng THHP, ngoài sự đồng lòng và tham gia của các bên liên quan, hội thảo cũng nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp trong việc tạo ra các sáng kiến đổi mới và bổ sung nguồn lực xã hội hoá cho THHP. Ông Đỗ Mạnh Cường, công ty Genetica Châu Á đã đưa ra phương án tiếp cận cá nhân hoá, phát hiện và thúc đẩy “Gen hạnh phúc” của mỗi cá nhân trong trường học, cách tiếp cận ấy sẽ khiến chúng ta chú ý tới việc tối đa hoá tiềm năng của từng học sinh trong trường.

Kết luận phiên toạ đàm, bà Nguyễn Phương Linh tổng kết “Quá trình xây dựng trường học hạnh phúc có thể rất thách thức, có thể bao gồm cả đam mê nhiệt huyết nhưng cũng có lúc chật vật, đau đầu, nhưng tôi tin đó cũng là quá trình phát triển hạnh phúc. Quá trình này cần sự chung tay và đồng hành, cam kết của tất cả các bên liên quan trong đó cách tiếp cận một cách hệ thống từ Trung ương tới địa phương và tới tất cả các cấp học và sự đồng lòng của trường học, học sinh, giáo viên, phụ huynh. Trong quá trình này, hiệu trưởng đóng vai trò rất quan trọng, là người kiến tạo sự thay đổi – người hiệu trưởng hạnh phúc sẽ kiến tạo đổi mới, gieo mầm hạnh phúc tới tất cả hệ thống và tấ cả các bên liên quan”.

…..

Giới thiệu về VIGEF

Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ Thông (VIGEF) là một quỹ xã hội phi lợi nhuận thành lập từ năm 2018 có tầm nhìn hướng tới một nền giáo dục phổ thông bình đẳng, có chất lượng và hiệu quả nhằm phát triển tối đa năng lực cần có cho nhóm dân số trong độ tuổi giáo dục phổ thông, giúp cho những cá nhân này có thể làm chủ tương lai và đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. VIGEF nỗ lực hành động nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hiệu quả thông qua quá trình xã hội hóa giáo dục, tạo kết nối và trách nhiệm giữa các bên có liên quan hướng tới một nền giáo dục phổ thông bình đẳng, có chất lượng và hiệu quả.

Năm 2020 – 2023, VIGEF đã thúc đẩy mô hình trường học hạnh phúc, dự án “Hiệu trưởng – người gieo mầm hạnh phúc” kỳ vọng tập huấn, bồi dưỡng cho 10.000 Hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước nhằm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường học tập vui vẻ, nhân ái tại Việt Nam. Giai đoạn 1 từ tháng 5 – 11/2022 tập trung vào tập huấn cho hơn 1.200 Hiệu trưởng đến từ 7 tỉnh, thành phố, tạo cho những người đứng đầu trường học năng lực thấu hiểu và lan tỏa năng lượng tích cực tới thầy cô giáo trong trường. Từ đó xây dựng một môi trường học đường mà học sinh thực sự tìm thấy niềm vui thay vì những áp lực từ bài vở và điểm số.