Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đọc sách và tự học

Ngày đăng

25/08/2021

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông không chỉ nổi tiếng là một vị đại tướng huyền thoại bách chiến, bách thắng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, với chỉ thị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới quyết chiến quyết thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” trong bức điện mật ngày 07 tháng 4 năm 1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà còn nổi tiếng là một tấm gương ham đọc sách và tự học. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp(25/8/1911-25/8/2021), chúng tôi xin chia sẻ một vài tư liệu và kỷ niệm về Đại tướng để chúng ta hiểu thêm về vai trò của việc đọc và tự học trong cuộc đời của vị Đại tướng huyền thoại này..

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, hiếu học. Ông luôn đứng đầu lớp, trong kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, ông đỗ đầu tỉnh. Ngay từ khi còn trẻ tuổi, Võ Nguyên Giáp đã rất ham đọc sách. Điều đó khiến cụ Phan Bội Châu rất quý trọng và cụ nói: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”. Và Phan Bội Châu là người có nhiều ảnh hưởng đến Võ Nguyên Giáp trong thời gian ông còn trẻ. Bài thơ Bài ca chúc Tết thanh niên của Phan Bội Châu năm 1926 đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của ông và tầng lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ.

Năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp: À bas le tyranneau de Quoc hoc! (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L’Annam của Luật sư Phan Văn Trường tại Sài Gòn. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Tháng 4 năm 1927, Trường Quốc học Huế nổ ra một cuộc bãi khóa rầm rộ quy mô lớn. Nguyễn Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh bãi khóa ở trường nên đuổi học. Năm 1930, ông bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: báo Lao động, báo Tiếng nói chúng ta, báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng… Ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.

Cùng với việc tham gia cách mạng, ông vẫn tự học tú tài. Năm 1933, với tư cách thí sinh tự do, ông thi đỗ Tú tài phần thứ nhất, hạng ưu. Niên khóa 1933-1934, ông theo học chuyên khoa Triết tại Trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. Năm 1934, đỗ Tú tài toàn phần. Sau đó ông đã học và tốt nghiệp Đại học Luật, khoa Đông Dương.

Tháng 6 năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Đảng cử ra nước ngoài gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng.

Tháng 01 năm 1941, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ mở lớp huấn luyện chính trị. Cùng với Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, dưới sự hướng dẫn của Bác Hồ, ông đã tham gia biên soạn tài liệu học tập, sau được đóng thành sách với nhan đề Con đường giải phóng. Được Bác Hồ lưu ý tìm hiểu về công tác quân sự, Võ Nguyên Giáp đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu có liên quan. Trước hết, ông tìm đến bách khoa thư và các sách có trong thư viện về quân sự, vũ khí, chiến tranh. Tiếp đó, ông tìm mua và mượn từ những người quen. Từ nhãn quan của một thầy giáo dạy sử, từ cách tiếp cận của một trí thức, ông có được một sự hiểu biết rộng lớn về quân sự thông qua các tài liệu sách báo.

Khi Phùng Chí Kiên mất, Bác Hồ đã giao cho Võ Nguyên Giáp phụ trách quân sự. Sự nghiệp cầm quân của ông bắt đầu hoàn toàn bằng con đường tự học.

Nhà Sử học Hoa Kỳ Tiến sĩ John Prados, người đã viết hàng chục cuốn sách về thời kỳ chiến tranh Việt Nam, trong đó phần lớn đề cập tới Đại tướng khi được phỏng vấn “Ông nhìn nhận như thế nào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam?” đã trả lời: “Dù là người lãnh đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng Tướng Giáp không xuất thân từ một chuyên gia quân sự cũng như chưa từng trải qua trường lớp quân sự chính quy nào. Ông tự học tất cả mọi điều qua thực tiễn và thử nghiệm.

Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, Đại tướng đã được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác phát triển khoa học kỹ thuật. Ông luôn tâm huyết với vấn đề học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Vị tướng năm xưa thường xuyên có trong các cơ quan nghiên cứu, mặc áo trắng xuống các phòng thí nghiệm, cầm ô che mưa, xắn quần lội vào ruộng lúa, vườn cà, luống rau. Để ra được những quyết sách đúng đắn trong công tác khoa học, một lần nữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại lao vào tự học và tự tìm hiểu. Ông tìm đến các bách khoa toàn thư của Pháp, Anh về khoa học và khoa học kỹ thuật, ông gửi thư cho các nhà khoa học trong và ngoài nước để hỏi mượn và nhờ đặt mua tài liệu.

Những cuốn sách Des sciences et des techniques, Encyclopedie International, Encyclopedia Britanica, La science au 20e siècle… hiện vẫn được lưu giữ trong phòng làm việc của các thư ký tại nhà ông. Trong thời gian phụ trách công tác khoa học, ông luôn quan tâm đến các xu hướng trên thế giới, nắm bắt thực trạng của Việt Nam. Trong chỉ đạo và xây dựng định hướng phát triển khoa học Việt Nam, ông luôn quan tâm, lắng nghe các nhà khoa học và học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài.

Trong tâm khảm của những người thân được sống bên cạnh Đại tướng, ông luôn là một người rất chăm học và chăm đọc. Trong nhà Đại tướng, có rất nhiều sách báo và những vị khách viếng thăm thường thấy hình ảnh ông đọc sách ngay cả khi đã ngoài 90 tuổi.

Ông Võ Hồng Nam, con trai của Đại tướng chia sẻ trên báo Tuổi trẻ: “Những tháng ngày khó khăn nhất, ba mẹ tôi vẫn đọc sách, chơi đàn”. Dù cuộc sống có khó khăn, bận rộn, mỗi ngày gia đình ông vẫn dành ra một khoảng thời gian nhất định cho việc đọc sách báo và lúc rảnh rỗi, Đại tướng cùng phu nhân lại cùng nhau đàm đạo.

Anh Võ Hoài Nam, cháu nội Đại tướng đã ghi lại những kỷ niệm khó quên: “Tủ sách của ông nội chật ních những sách quý, dễ đến cả nghìn quyển như một thư viện nhỏ… Đọc sách đối với ông là một công việc cẩn trọng được thực hiện một cách nghiêm túc. Và ông thường làm việc đó với một cây bút trong tay để có thể đánh dấu, gạch chân, hay tóm tắt những đoạn quan trọng, những chi tiết cần lưu ý”. Với anh, ông bà nội chính là những người đã chỉ bảo và truyền dạy cho con cháu về phương pháp đọc sách: “Ông bà nội vẫn nhắc nhở chúng tôi phải biết chọn sách mà đọc, và trước hết phải đọc để hiểu lịch sử dân tộc mình”.

Trong một cuộc giao lưu tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình Vang mãi khúc quân hành, ông nói: “Thế hệ cha anh đã xoá được nỗi nhục mất nước, thế hệ trẻ cần phải xoá đi nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu”. Thắng thực dân Pháp, chúng ta có Điện Biên Phủ ở Tây Bắc, thắng đế quốc Mỹ, ta có một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội. Ông đau đáu một tâm sự “Phải có một Điện Biên Phủ trong khoa học và công nghệ”, để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành sự quan tâm cho việc khuyến khích người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng chăm lo đến việc học và tự học. Trong bài “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà” ông đã nhấn mạnh: “Nền giáo dục của kỷ nguyên thông tin là một nền giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học, giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục, học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới.

Nền giáo dục mới là một nền giáo dục hiện đại, sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, mạng máy tính và Internet để tổ chức và triển khai quá trình dạy và học với những phương pháp và hình thức linh hoạt nhằm nâng cao nền tảng văn hóa và tinh thần chung của xã hội, mở ra những khả năng mới hỗ trợ cho quá trình học tập liên tục, học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ xa và đặc biệt là tự học của mọi người…”.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng tự hào về những năm tháng được giúp việc cho Đại tướng. Nói về phong cách làm việc của Đại tướng, ông chia sẻ: “Cả cuộc đời Đại tướng luôn luôn tự học, tự nghiên cứu, nghe ý kiến rất nhiều chiều từ một vấn đề, trước khi đi đến một quyết định. Cách làm việc rất dân chủ và khoa học và luôn luôn giải quyết vấn đề xuất phát từ thực tiễn”.

Riêng đối với thế hệ trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lưu ý là phải thường xuyên học tập bằng nhiều hình thức để không ngừng vươn tới đỉnh cao của văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Có như vậy mới chiến thắng được nghèo nàn và lạc hậu. Ông nhấn mạnh: “Vận mệnh và tiền đồ của đất nước phụ thuộc một phần quan trọng vào thế hệ trẻ… Để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thanh niên và sinh viên phải có hoài bão và lý tưởng, có tri thức và kỹ năng. Phải “học, học nữa, học mãi, học suốt đời, học đến hơi thở cuối cùng”.

Đại tướng đã đi xa, nhưng sự nghiệp của ông sẽ mãi trường tồn với đất nước. Yêu quý Võ Nguyên Giáp, thế hệ trẻ Việt Nam hãy cùng nhau gắng sức để đem hết tài trí và tâm lực của mình lập nên một Điện Biên Phủ trong khoa học công nghệ trong thời đại mới như Đại tướng hằng mong ước. Để làm được điều ấy, mỗi người cần nâng cao hơn nữa tinh thần tự học và ham đọc sách theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vũ Dương Thúy Ngà