CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG QUẢN TRỊ NHÀ TRƯỜNG HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

Ngày đăng

30/12/2021

Trong 2 ngày 21 và 22/12, tại Lào Cai đã diễn ra tổng kết dự án “Thúc đẩy Quản trị nhà trường hướng tới người học” và Hội thảo “Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường hướng tới phát triển năng lực học sinh”. 

Các đại biểu chủ chốt đến tham dự hội thảo

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, ông Nguyễn Thế Dũng phát biểu tại Hội thảo. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, ông Nguyễn Thế Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Hoạt động do Sở GD&ĐT Lào Cai phối hợp cùng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) – United Việt Nam; Tập đoàn Shinhan Square Bridge Việt Nam tổ chức.

Đây là 1 trong các hoạt động thuộc dự án của Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam (VIGEF) tại Lào Cai.  

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, ông Đặng Tự Ân – Giám đốc VIGEF,  bà Trần Ánh Phương – Giám đốc vận hành công ty TNHH Tripath Việt Nam, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển bền vững MSD, cùng gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Đối với Lào Cai, chúng tôi đã lựa chọn và hoàn thành việc lắp đặt hệ thống cho 20 trường tại địa bàn tỉnh và ghi nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực từ nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nhà trường được dự án tổ chức đào tạo, lắp đặt và bàn giao toàn bộ hệ thống phần cứng và phần mềm. Ứng dụng giúp các trường tích hợp các hệ thống số về điểm danh, sổ liên lạc điện tử kết nối nhà trường và gia đình, theo dõi bảng điểm, điểm số, các tính năng báo cáo thống kê, v.v. tích hợp với hệ thống máy tính, điện thoại của nhà trường, thầy cô, v.v. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ này khiến việc quản trị trường học được hiện đại và hiệu quả hơn.. Thông qua các hoạt động của dự án, các cán bộ quản lý đã chủ động quản lý Chương trình Giáo dục phổ thông mới hiệu quả, thay đổi tầm nhìn để thúc đẩy và phát triển giáo dục cụ thể hơn nhằm quản trị nhà trường hướng tới phát triển năng lực học sinh.

Phản hồi về việc sử dụng ứng dụng Quản trị nhà trường School.vn, 90% giáo viên đều có phản hồi tích cực trong việc sử dụng hệ thống như: hệ thống thân thiện, dễ sử dụng đối với học sinh và cán bộ, giáo viên nhà trường, dễ dàng trong việc điểm danh, quản lý học sinh thông qua ứng dụng cài trên điện thoại, giúp phụ huynh học sinh an tâm khi gửi con tới trường, nắm được tình hình của con nhanh chóng,…

Thảo luận và chia sẻ các vấn đề về chuyển đổi số trong quản trị nhà trường hướng tới phát triển năng lực học sinh, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục phổ thông nhấn mạnh: “Qua quá trình làm việc với các trường, chúng tôi rất vui khi thấy lãnh đạo nhà trường và giáo viên đều nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học cũng như quản trị nhà trường, cũng như sẵn lòng tham gia, học hỏi và tiếp thu những công cụ mới phục vụ cho công tác. Thay đổi nhận thức của mỗi người trong ngành là yếu tố tiên quyết để chuyển đổi số có hiệu quả trong giáo dục.”

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta ứng dụng chuyển đổi số để quản trị nhà trường hiệu quả hơn hướng tới việc phát triển năng lực, tối đa hoá cơ hội phát huy các tiềm năng của học sinh. Chúng ta sử dụng công nghệ và tiện ích trong nhà trường để tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong việc quản lý, thống kê, báo cáo, v..v. Việc chú trọng vào việc thúc đẩy sự tham gia, làm chủ công nghệ, quản trị nhà trường của học sinh vô cùng quan trọng. MSD – United Way Việt Nam và chương trình Shinhan Square Bridge rất vui mừng khi được đồng hành cùng các bên để mang tới sự hỗ trợ về công nghệ cho các em học sinh, góp phần vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả cho thế hệ tương lai của đất nước.”

Bà Trần Ánh Phương – Giám đốc vận hành Tripath Việt Nam – đơn vị cung cấp hệ thông School.vn bày tỏ ý kiến: “Chúng tôi định hướng đây sẽ là sản phẩm thiết thực cho người dùng, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển, gia tăng tiện ích của sản phẩm, phục vụ cho quá trình chuyển đổi số giáo dục. Chúng tôi mong muốn có thể giới thiệu mô hình này tới các địa phương và trường học chưa có cơ hội tiếp xúc với công nghệ thông tin để tất cả mọi người đều được tiếp cận công nghệ, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành giáo dục.”

Hội thào được tiếp nối với các tham luận xoay quanh chủ đề về kính nghiệm trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và hướng tới phát triển năng lực. Đại diện các trường trong tỉnh như Trường TH Lê Ngọc Hân, trường TH Sa Pa, trường THCS thị trấn Bát Xát. Đại diện các trường đều đưa ra đề xuất mong muốn được nâng cao kiến thức và năng lực thông qua các lớp tập huấn kĩ năng, hỗ trợ một số thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông và dạy học, chuyển giao công nghệ cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của trường,…

Tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các đại biểu, Ông Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, mới sử dụng, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trong nhà trường. Quan trọng là chúng ta cần có tư tưởng, chiến lược trong chuyển đổi số – kết quả cuối cùng là để cải thiện quản trị nhà trường hiệu quả, phát triển năng lực học sinh. Chúng ta không đợi có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật mới chuyển đổi số mà chuyển đổi trong chính tư duy và công việc mình đang làm.”

Hội thảo cũng đã chia sẻ các kết quả đạt được thời gian qua như: Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên chủ động nâng cao trình độ đào tạo, lý luận chính trị, trình độ ngoại ngữ, tin học, cập nhật kiển thức.

Gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên đã dự hội thảo

Cán bộ quản lý, giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quản trị hiện đại một cách bứt phá, không thụ động chờ đợi bồi dưỡng như trước đây. Thông qua chuyển đổi số, Hiệu trưởng xác định tầm nhìn và sứ mạng nhà trường, xây dựng kế hoạch hàng năm và dài hạn, quản trị đội ngũ.

Hơn thế cán bộ quản lý trường học luôn tạo động lực làm việc cho giáo viên, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và xã hội hoá giáo dục.

Đặc biệt, khi tham gia dự án, học sinh đã tự tin, chủ động và có nhiều hình thức học tập như: lớp học đảo ngược, lớp học thông minh, lớp học tương tác, lớp học kết nối, lớp học ngoài lớp học, ngoài nhà trường…

Từ đó, học sinh được bồi dưỡng, phát triển kĩ năng học cá nhân, học nhóm, học qua trải nghiệm, biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và ngược lại.

Với các kết quả đạt được, giáo dục Lào Cai đã nhân rộng mô hình ra 100% các trường học trong toàn tỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kì 4.0