Cân nhắc khi coi trọng hệ chuyên trong giáo dục phổ thông
07/11/2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên (trường chuyên). Dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý, trong đó có đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, bởi lâu nay việc này gây nhiều lẫn lộn trong đào tạo, tuyển chọn người tài.
Kể từ năm 1968, một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc nước ta được phép mở các lớp toán đặc biệt mà sau này gọi là lớp chuyên toán, với số học sinh rất ít, khoảng 20-25 em một lớp. Đây là ý tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mang tính chiến lược về bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trải qua hơn nửa thế kỷ kể từ khi có một số lớp toán đặc biệt, lực lượng đông đảo học sinh giỏi này đã đóng góp đáng kể cho thành tích mũi nhọn của các địa phương và quốc gia. Có thể gọi đây là thời hoàng kim về học sinh giỏi ở Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có 77 trường chuyên (7 hoặc 8 lớp chuyên cho một khối) với khoảng 67.500 em, chiếm 2,7% học sinh THPT. Hầu hết trường chuyên đều mở các lớp cận chuyên cho đối tượng không đỗ vào trường chuyên. Số học sinh trường chuyên và cận chuyên (hệ chuyên) nhiều ngang nhau.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT tuy đã có quy định không mở những lớp chọn ở các trường phổ thông (cấp THPT có thể có lớp chọn) nhưng các địa phương vẫn “sáng tạo, linh hoạt” để “lách” mở các lớp chọn dưới nhiều tên gọi khác nhau. Thực chất, các lớp chọn cũng là những lớp cận chuyên, do vẫn tuyển chọn những học sinh có kết quả học tập khá, giỏi vào học chung một lớp và tập trung dạy chuyên sâu một môn hay một số môn học. Chỉ tính riêng cấp THPT, tối thiểu mỗi khối thường mở 3 lớp chọn về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngoại ngữ (tiếng Anh) thì cả nước có khoảng vài vạn học sinh theo học hệ cận chuyên tại các trường THPT. Như vậy, ước tính cả nước có khoảng 10% học sinh bậc THCS, THPT đang học ở hệ chuyên.
Sở dĩ lực lượng học sinh hệ chuyên hùng hậu như vậy, nguyên nhân chính là chúng ta chưa thay đổi tư duy, vẫn quá coi trọng dạy kiến thức và đánh giá thông qua điểm số cho học sinh. Tức là nhà trường vẫn quan tâm tới dạy chữ với kiến thức theo hướng hàn lâm. Bên cạnh đó là chậm thay đổi cách thức thi tuyển. Có đánh giá năng lực, có trắc nghiệm khách quan nhưng vẫn dựa trên kết quả bài thi tự luận, tức là vẫn đề cao khả năng kiến thức có nhiều hay ít của người học. Học sinh ôn thi theo bộ đề, theo chuẩn, theo bài thi minh họa và tất nhiên dẫn đến “thi thế nào sẽ học theo thế”.
Có quan điểm vĩ mô lại cho rằng: Hệ chuyên là hình mẫu cho hệ thống các trường công. Do đó, với gần 10% học sinh hệ chuyên sẽ là “đầu tàu”, kéo theo 90% học sinh cả nước còn lại, cùng nỗ lực giáo dục theo phương thức của hệ chuyên, tức là phương thức dạy coi trọng học thuật. Những năm cuối của thế kỷ trước, một giáo sư người Pháp đi khảo sát dạy học ở nhiều trường phổ thông tại Việt Nam có đưa ra nhận định: Các trường ở ta đều dạy học theo mục tiêu thi olympic quốc tế, tức là tập trung dạy kiến thức, mà ít chú ý dạy kỹ năng sống cho người học. Luyện thi và thi là điển hình đặc thù của giáo dục cũ: Dạy chữ không song hành với dạy người.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nêu rõ: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Đây được coi là triết lý giáo dục cho thời kỳ đổi mới. Nếu thế chúng ta phải tuân theo nguyên tắc cốt yếu của nó, đó là: Kiến thức được học ở mức độ cần thiết vừa đủ và chỉ là mục đích hỗ trợ cho phát triển năng lực học sinh, mà không thể ngày ngày luyện thi với mục đích cho các kỳ thi. Tại hội nghị tổng kết 10 năm về trường chuyên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh không nên tập trung nhiều cho hệ chuyên mà để mặc các nhóm trường khác.
Giáo dục các nước phát triển chỉ khuyến khích có các lớp hệ chuyên mà không đưa vào là chính sách quốc gia như ở nước ta. Chính vì vậy, giáo dục đại trà bị ảnh hưởng không nhỏ, đó là tạo ra sự bất bình đẳng trong các nhà trường về sự đầu tư của Nhà nước, về hưởng thụ cơ sở vật chất công và năng lực sư phạm của người thầy. Học thêm nở rộ và khó quản lý, có nguyên nhân cả nước quá coi trọng hệ chuyên.
Vì vậy, nên sớm chuyển đổi hệ chuyên để giáo dục đổi mới không bị ảnh hưởng và dạy học được trở về với lối tự nhiên xưa: Thầy trò cùng được bình đẳng trong giáo dục và phát triển bản thân.
ĐẶNG TỰ ÂN, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam