CẦN ĐIỀU CHỈNH HƯỚNG ĐI CỦA GIÁO DỤC MŨI NHỌN

Ngày đăng

10/10/2022

Nhiều thập kỷ qua, giáo dục mũi nhọn, bao gồm phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu đã đạt được một thành tích đáng khích lệ, nhất là kết quả thi học sinh giỏi trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, những biện pháp mà chúng ta đã làm trong suốt một thời gian dài vẫn còn bất cập. Sự bất cập này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nước nhà.

“Thỏi nam châm” khi thi học sinh giỏi

Chúng ta đã coi thi học sinh giỏi là định hướng quốc gia, là một phần trong đánh giá chất lượng giáo dục, chất lượng nhà trường và chất lượng học sinh ở mỗi trường, từng địa phương và cả nước. Các nước khác họ không định hướng như vậy. Kỳ thi học sinh giỏi của họ mang ý nghĩa ngày hội giao lưu nhằm khích lệ hay mang lại giá trị phong trào trong trường học nhiều hơn. 

Cần điều chỉnh hướng đi của giáo dục mũi nhọn
 Học sinh khối 6 Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam tham quan phòng truyền thống nhà trường (năm 2022).

Trong vòng 5 năm gần đây, số học sinh dự thi học sinh giỏi ở các tỉnh, thành phố liên tục tăng và số học sinh đoạt giải cũng từ đó mà tăng theo. Sở dĩ có hiện tượng lạm phát số lượng học sinh đoạt giải, có thể do hai nguyên nhân: Tỷ lệ học sinh đoạt giải đã được xác định sẵn, trước khi tổ chức kỳ thi hoặc đề thi chưa kịp nâng cao so với mặt bằng kiến thức đã luyện thi ở các lớp luyện thi. Có khoảng 50% học sinh dự thi đoạt giải, có nơi tới 80% học sinh đoạt giải các loại cấp tỉnh, thành phố.

Liên tục từ vài chục năm nay, các nhà trường phải qua nhiều vòng thi tuyển chọn và miệt mài tổ chức luyện thi. Riêng năm 2022 có 4.600 học sinh dự thi học sinh giỏi lớp 12 cấp quốc gia, trong đó gần 50% học sinh đoạt giải. Những học sinh này sẽ được hưởng quy chế tuyển thẳng hoặc được cộng điểm ưu tiên vào các trường đại học. Ngay cả những học sinh được tham gia 12 đội tuyển dự thi học sinh giỏi ở các địa phương cũng được nhiều trường đại học ưu tiên cộng điểm. Các môn học của lớp 12 thì hầu hết đều được tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia tương ứng với môn học đó. Như thế, thi không những là chủ trương của quốc gia mà kết quả thi học sinh giỏi cũng được quốc gia công nhận và được ưu đãi vào thẳng một trường đại học bất kỳ. Với sự hấp dẫn về quyền lợi học tập ở bậc cao hơn và được vinh danh từ khi còn đi học, thi học sinh giỏi như “thỏi nam châm” cuốn hút nhà trường và xã hội, rất khó bỏ qua. 

Áp lực học và thi đè nặng trên đôi vai trẻ trong suốt những năm tháng học phổ thông. Kết quả điểm thi cao không phản ánh chất lượng học tập mà chỉ là chất lượng luyện thi. Đó càng không thể là năng lực người học hay phẩm chất, trí tuệ đích thực của con người. Trí tuệ của mỗi người phải được phát lộ tối đa tiềm năng sẵn có cả về trí tuệ cảm xúc và trí tuệ giải quyết vấn đề trong thực tế cuộc sống. 

Thi và đánh giá của chúng ta là phải theo định hướng theo chương trình đánh giá giáo dục chuẩn của quốc tế. Đó là một định hướng đúng và đã được ghi trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Về trường chuyên, lớp chọn

Trường chuyên, lớp chọn có di sản từ những năm 1969, khi mà chúng ta đã thành lập lớp chuyên Toán ở một số tỉnh miền Bắc. Đây là cách làm học theo giáo dục của Liên Xô trước đây. Đến nay đã quá nửa thế kỷ hình thành và phát triển hệ chuyên, cả nước có 77 trường chuyên, chiếm 2,7% số học sinh THPT trên cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố đều có ít nhất một trường chuyên, ngoài ra, hai trường đại học quốc gia và ba trường đại học sư phạm vùng cũng mở các trường chuyên. Chưa kể trường nào cũng có lớp chọn, có tới hàng nghìn lớp và hàng vạn học sinh, có nhiệm vụ làm vệ tinh cho các trường chuyên. 

Giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước, trường chuyên, lớp chọn được coi là thời kỳ hoàng kim. Những học sinh chuyên, chọn ra trường từ các trường đại học trong và ngoài nước đã trở thành lực lượng chủ lực trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và quốc phòng, là nguồn lao động chất lượng cao của đất nước. Thế nhưng không có gì là trường tồn vĩnh cửu, sự tồn tại hơn nửa thế kỷ của hệ chuyên đã lỗi thời. Dư luận đòi hỏi cần cải tổ hệ chuyên cho phù hợp với xu thế mới của giáo dục thời kỳ 4.0.

Trường chuyên, lớp chọn thực chất là nhà trường ta đã dán nhãn cho học sinh (phân biệt thứ hạng) và không dạy từng học sinh trong khi dạy học cả lớp (không kết hợp dạy cá biệt khi dạy đại trà), điều này không phù hợp với quan điểm khoa học giáo dục mới. Trừ một số rất ít học sinh có năng khiếu được tách ra, học riêng với chương trình dạy học đặc biệt, còn lại, mọi học sinh phải được học trong môi trường xã hội dạy học bình thường với đa khả năng trí tuệ khác nhau.

Trường chuyên, lớp chọn, từ khâu tuyển chọn tới quá trình học tập đậm nét là truyền thụ kiến thức, nhằm mục đích thi và để tăng cường kiến thức hàn lâm cho học sinh. Điều này không đúng với Nghị quyết số 29-NQ/TW là phải bỏ quan niệm cũ chỉ chú trọng lo dạy kiến thức, dạy chữ cho học sinh. Điều đó thực sự không phù hợp với giai đoạn đổi mới và hội nhập giáo dục quốc tế hiện nay.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới”. Hãy để học sinh chuyên, chọn được học hòa nhập với nhiều bạn cùng trang lứa. Lớp học được cấu thành, hòa đồng hết sức tự nhiên với đa trình độ và đa nhân cách học sinh. Cả nước có thể tổ chức một số lớp học, đặt ở vài trường đại học dành cho học sinh có năng khiếu, có tài năng thực sự, với chương trình dạy học đặc biệt và có sự đãi ngộ cao của Nhà nước. Học sinh các lớp này được các chuyên gia đầu ngành trong nước, quốc tế đỡ đầu và sớm được tập dượt nghiên cứu khoa học.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: Với cách làm giáo dục mũi nhọn hiện nay, nên thay đổi là bỏ thi học sinh giỏi, là bỏ trường chuyên, lớp chọn thì khi ấy sẽ hết tiêu cực dạy thêm, học thêm, hết mất bình đẳng trong giáo dục và sẽ trả lại nét nhân văn cùng môi trường giáo dục hạnh phúc, vốn là giá trị nhà trường truyền thống của Việt Nam ta.

ĐẶNG TỰ ÂN, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam,nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT