VIGEF xác định rằng mục tiêu tổng thể của Khung Chiến lược Hoạt động 2019-2022 sẽ không nằm ngoài cam kết của cộng đồng quốc tế về đảm bảo bình đẳng, hòa nhập và chất lượng trong giáo dục cho đến năm 2030 cũng như quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam về đổi mới giáo dục phổ thông, cụ thể là:

Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4[1]: “Đảm bảo giáo dục chất lượng, toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người”; 

Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIvề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”; “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”; “Chuyển mạnh từ quản lí giáo dục, quản lí nhà trường nặng tính hành chính sang coi trọng quản lí chất lượng”; “Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục,… bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại” “Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật”;

Nghị quyết Số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”;“Ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”;

Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững: “Huy động các nguồn lực xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của các cấp, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”; “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.


[1]Theo Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015.