Tạ Quang Bửu – Một thiên huyền thoại về ham đọc sách và học tập suốt đời

Ngày đăng

21/09/2021

Trong giới trí thức Việt Nam hiện đại, Tạ Quang Bửu (1910-1986) nổi tiếng là người tài cao, học rộng. Có người ví ông là một Lê Quý Đôn thời nay. Tên ông gắn với một giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ được xét, tặng hằng năm dành cho các nhà khoa học Việt Nam, là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên: Toán học, Khoa học máy tính và thông tin, Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất và môi trường, Sinh học và Khoa học Tự nhiên khác và các nhà khoa học nước ngoài có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam. Tên ông cũng gắn liền với thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội, một trường đại học có tên tuổi của Việt Nam và nhiều đường, phố của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…

Giáo sư Lê Văn Thiêm, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, đã vô cùng khâm phục về khả năng tự học của Tạ Quang Bửu. Ông nhận xét: “năng lực tự học của anh Bửu gần như là một thiên huyền thoại!

Khác với nhiều người, phương châm và mục đích học của Tạ Quang Bửu là: Học để biết, để làm việc, chứ không học để thi lấy bằng cấp. Quan điểm này đã theo ông suốt cuộc đời. Tài năng, sự uyên bác và đức độ của ông không chỉ có ảnh hưởng sâu đậm đến các nhà khoa học, kỹ thuật ở Việt Nam, mà còn được nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới cảm phục và thừa nhận. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở Việt Nam như: Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Hữu Đường, Phan Đức Chính, Phạm Hữu Sách, Đàm Trung Đồn, Vũ Thanh Khiết, Nguyễn Lân Dũng, Đặng Vũ Minh đã trân trọng coi ông là bậc thầy. Nhà toán học L. Schwartz của Pháp, người từng đoạt giải Fields, bạn của Tạ Quang Bửu đã có nhận xét về ông: “Đó là một con người tuyệt vời!” (C’était un homme merveilleux).

Con đường để Tạ Quang Bửu có được sự uyên thâm đạt đến sự hiểu biết rộng lớn đó thật vô cùng giản dị: ông đã không ngừng học và tự học, từ khi trẻ tuổi đến lúc cuối đời, ngay cả khi tuổi cao mắc bệnh đau cột sống. Tìm hiểu về cuộc đời ông, bất cứ ai cũng có thể nhận ra một nguyên lí và niềm đam mê của Tạ Quang Bửu là: Học toàn diện. Mặc dù có bằng cấp đại học loại ưu về Toán và Vật lý, nhưng Tạ Quang Bửu còn có nhiều đam mê khác. Ông yêu thích ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thể thao và đã tranh thủ thời gian có được để tự học, tự tìm hiểu để thỏa mãn sự đam mê của mình.

Về ngoại ngữ, Tạ Quang Bửu thành thạo khá nhiều ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Đức, ông có thể đọc hiểu tiếng Nga, tiếng Trung, Hy Lạp cổ, Latinh. Cũng như bao nhà khoa học lỗi lạc khác, ông quan niệm rằng để có thể tiếp cận được với tri thức của nhân loại, phải biết ngoại ngữ. Chính vì thế, Tạ Quang Bửu rất quan tâm đến việc học ngoại ngữ. Tất cả những ai có dịp được làm việc bên ông đều khâm phục khả năng tự học ngoại ngữ của Tạ Quang Bửu. Những ngoại ngữ ấy được ông sử dụng thường xuyên để dịch tài liệu quan trọng, thuyết giảng và viết sách. Khả năng sử dụng ngoại ngữ của Tạ Quang Bửu khiến cho nhiều người khâm phục.

Ông Nguyễn Xuân Huy cho biết: Hồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta nhận được pháo phòng không của Liên Xô (cũ), kèm theo một bản hướng dẫn cách sử dụng máy ngắm bắn máy bay bằng tiếng Nga. Ông Huy không biết nhờ ai dịch, bởi vì lúc đó, ở Bộ Quốc phòng chỉ có phiên dịch tiếng Trung Quốc. Nghe nói Tạ Quang Bửu chỉ tự học ba tháng đã đọc hiểu tiếng Nga, ông Huy liền cuốc bộ suốt một ngày một đêm cầm tài liệu lên gặp. Ông Huy hết sức ngạc nhiên về khả năng tiếng Nga của Tạ Quang Bửu. Trong một bài hồi ký, ông kể lại: “Anh Bửu xem lướt qua, rồi đọc một mạch tiếng Nga làm tôi phục quá! Xong, anh dịch ngay ra tiếng Pháp cho tôi đem về đọc lại thật kỹ để hướng dẫn bộ đội”.

Là một nhà quản lý công tác giáo dục và đào tạo, ông luôn quan tâm đến việc tạo cho học sinh, sinh viên vốn kiến thức vững vàng, khả năng tư duy sáng tạo để tự học, tự bồi dưỡng phát triển thay vì chỉ học gạo, học thụ động. Nhớ về Tạ Quang Bửu, Giáo sư Hoàng Tụy nhận xét: “Có những nhân cách và tài năng mà chỉ sau khi vắng bóng họ, người đời mới thấy hết khoảng trống mênh mông họ để lại. Anh Bửu là một con người như thế”.

Không chỉ nổi tiếng là người có tinh thần tự học không ngừng, Tạ Quang Bửu còn nổi tiếng là người ham đọc sách.

Tháng 01 năm 1946, Tạ Quang Bửu được bầu làm đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vào tháng 3 năm 1946. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, Tạ Quang Bửu là một trong những thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Pháp tại Đà Lạt. Ông cùng với các ông Hoàng Xuân Hãn, Phan Phác, Kiều Quang Cung được phân công vào Tiểu ban quân sự do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Mặc dù công việc bề bộn nhưng Tạ Quang Bửu vẫn dành thời gian tự học thêm về cơ học thống kê và cơ học lượng tử nhằm tích lũy kiến thức trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Có người kể rằng, trong thời gian tham dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp, ông đã tìm mua và đưa về nước rất nhiều sách khoa học kỹ thuật. Đây là những tài liệu quý giá đối với ngành quân giới trong kháng chiến chống Pháp.

Trong tâm khảm của bạn bè và những người thân trong gia đình Tạ Quang Bửu, sách luôn là vật bất li thân, là người bạn đồng hành với ông trong mọi hoàn cảnh. Giáo sư Bửu có thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, đọc rất nhanh, nhớ rất lâu. Có lần qua châu Sơn Dương, ngồi trên lưng ngựa, mải mê đọc Nicolas Bourbaki, ông ngã tòm xuống suối! Về sau, ông viết cuốn Về cấu trúc của N. Bourbaki (1960). Và cuốn sách giới thiệu khoa học hiện đại cuối cùng của GS. Bửu là cuốn Hạt cơ bản in sau khi ông qua đời. Hình ảnh Tạ Quang Bửu lúc nào cũng đeo kính, cứ sáng sáng cầm mấy cuốn sách lên ô tô đi đến cơ quan, chiều về ăn cơm xong lại vào phòng đọc sách, ghi ghi chép chép đã in sâu trong tâm trí những người thân trong gia đình ông.

Không chỉ quan tâm đến việc đọc sách của bản thân, ông còn quan tâm đến việc hướng dẫn cho cấp dưới và các đồng nghiệp, cộng sự của mình về các sách cần đọc để nâng cao kiến thức. Đối với giáo viên dạy toán, ông cũng chỉ rõ những tài liệu cần đọc trong phần Thầy cần đọc gì để dạy tốt hơn?Với những tài liệu đòi hỏi và có trình độ cao mới hiểu được, Tạ Quang Bửu viết lại cho dễ hiểu rồi chuyển tới các thầy.

Tạ Quang Bửu đã để lại một tấm gương tuyệt vời về tự học, tự đào tạo và bồi dưỡng. Nguyễn Như Kim, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường vô cùng khâm phục khả năng và ý chí tự học, tự rèn luyện của Tạ Quang Bửu. Trong bài viết của mình, ông nêu lên một sự thật giản dị: “Anh Bửu chỉ có bằng cử nhân khoa học nhưng trong quá trình hoạt động đã trở thành một người thầy, một nhà lãnh đạo được các giới khoa học, giáo dục trong và ngoài nước đồng thanh công nhận là một nhà giáo uyên bác, một bộ trưởng có tầm nhìn chiến lược…” Và ông đúc kết: “Anh Bửu đã vươn lên đỉnh cao đó bằng ý chí tự học, tự bồi dưỡng liên tục.

Điểm đáng chú ý trong phương pháp tự học của Tạ Quang Bửu là tự học một cách sáng tạo. Và ông cũng rất sáng tạo khi lĩnh hội, tích lũy các tri thức từ sách vở. Giáo sư Lê Văn Thiêm, một người bạn thân thiết của Tạ Quang Bửu đã đưa ra nhận xét: “Khả năng đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, cách suy nghĩ sáng tạo biến tri thức của sách thành bản lĩnh khoa học của mình, người khác thấy điều đó ở anh gần như một huyền thoại. Nhờ đó, anh tiếp cận nhanh chóng với xu thế toán học thế giới nói riêng và khoa học kỹ thuật nói chung”.

Cuộc đời của Tạ Quang Bửu đã để lại cho chúng ta một tấm gương về lòng say mê hiểu biết. Con đường dẫn ông đến với bể kiến thức không cùng, không tận chính là còn đường liên tục tự học và tự đọc một cách đầy sáng tạo, say mê. Đây chính là những bài học quý giá cho chúng ta và lớp lớp người đi sau, cho tất cả những ai muốn không ngừng vươn tới sự hiểu biết và thành công trong cuộc sống.

Vũ Dương Thúy Ngà