Giáo dục là không gian dối

Ngày đăng

10/07/2019

GIÁO DỤC LÀ KHÔNG GIAN DỐI
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, chứng kiến nhiều sự đổi thay và thay đổi ở cấp vi mô cũng như tại cấp vĩ mô. Tôi có những trăn trở về giáo dục, muốn chia sẻ cùng bạn đọc.
1. Hiểu khái niệm “Giáo dục” chưa hết

“Giáo dục” là từ rất cơ bản trong nhiều giáo trình dạy học. Nó cũng là từ được sử dụng thường xuyên ở các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục. Thế nhưng, quen mà vẫn lạ. Tôi thì hiểu, từ “giáo dục” (education) là sự hướng dẫn, dạy dỗ, chăm lo cho một con người để thành người hữu ích cho xã hội và đất nước. Đây có thể coi là mục tiêu cũng như chỉ ra cách thực hành giáo dục của người thầy và các nhà trường.

Từ “đào tạo” (training) đi liền với từ “giáo dục” như hình với bóng. Nghĩa của từ đào tạo hạn chế hơn từ giáo dục: nó nặng tính chất chuyên môn, nói về dạy một nghề cụ thể cho người học. Trong khi đó, từ “giáo dục” mang hàm ý rộng hơn, không chỉ nhằm đào tạo theo một chuyên môn hẹp, mà còn xây dựng con người mới, có phong cách và hội đủ các phẩm chất công dân toàn cầu. Tức là qua giáo dục là thay đổi lượng và chất của người học, thành con người văn minh, bóng dáng của xã hội tương lai.

Đầu vào của giáo dục là con người. Đầu ra của giáo dục cũng là con người nhưng là con người khác: biết sống tử tế và biết tư duy sáng tạo. Không dễ gì mà có được đầu ra như vậy. Nó cần một quá trình giáo dục, quá trình đào luyện hay “sản xuất” ra sản phẩm: hoàn thiện mỗi cá nhân người học. Sản phẩm đặc biệt ấy, chắc chắn phải do chính người học giữ vai trò quyết định. Hay nói cách khác, người học phải tự giáo dục. Ngoài ra, các tác nhân, bao gồm “3 nhà và 1 gia”: nhà nước, nhà trường, nhà giáo và gia đình đóng vai trò liên kết, tạo môi trường lành mạnh trong quá trình làm ra sản phẩm giáo dục.

2. Bệnh thành tích phá hại giáo dục

Bệnh thành tích là chỉ muốn được khen ngợi, đánh giá cao mà thực chất lại không có hoặc có rất ít. Nói cách khác, làm điều khuất tất, gian dối nhằm vụ lợi cho bản thân hay tập thể. Bệnh thành tích là thói xấu khó sửa, nó thường đi cùng bệnh hình thức. Bệnh hình thức giúp che đậy cho thành tích ảo, trên giấy, đánh lạc hướng mắt nhìn của các cấp quản lý và xã hội.

Có chuyên gia đánh giá bệnh thành tích đã trở thành bệnh trầm kha, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển đất nước và xã hội, có nguy cơ trở thành vấn nạn trong nhiều lĩnh vực và đời sống xã hội ngày nay.

Trong giáo dục, bệnh thành tích đang phổ biến. Người ta còn nói, bệnh thành tích đã làm cho giáo dục Việt Nam tụt hậu.

Làm “đẹp” số liệu trong các báo cáo, không phản ánh đúng thực trạng các cơ sở giáo dục, là hiện tượng phổ biến, đang hiện hữu ở các cấp quản lý và các nhà trường. Thậm chí trong cùng một nội dung, cùng một cấp quản lý, nhưng số liệu thống kê lại tự mâu thuẫn nhau. Qua khảo sát, đại biểu Quốc hội (Thanh Hóa) có nêu “tỷ lệ học sinh khá giỏi ở một số trường trung học phổ thông miền núi trong năm học 2017-2018 là khoảng 55% đến 60%, tỷ lệ này ở lớp 12 còn cao hơn nhiều, khoảng 65%-70%. Đó là một biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích trong giáo dục”.

Lạm phát học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Tặng học sinh phần thưởng “ảo” cùng với tổ chức lễ trao giải hoành tráng, cốt tạo hiệu ứng rộng rãi cho người lớn và trong cộng đồng, xảy ra ở nhiều địa phương. Cách làm này đã không vì trẻ mà còn làm tổn thương trẻ.

Thi đua không thực chất, làm méo mó bản chất “yêu nước” của nó, gây hiệu ứng ngược, phản tác dụng, ảnh hưởng xấu trong nhà trường và xã hội. Thi đua là giúp cho sản phẩm giáo dục được hoàn thiện hơn, môi trường giáo dục trong lành hơn. Thi đua phải hướng tới người học, thúc đẩy quá trình “sản xuất”, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Thi đua được tuyên truyền rầm rộ, với các chỉ tiêu đưa ra cụ thể, toàn diện, nhưng lại quá cao so với thực lực nhà trường. Vô hình trung tạo thành sức ép, đẩy toàn trường chạy theo thành tích trên trời.

Chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia, những năm đầu đã góp phần không nhỏ trong việc chuẩn hóa nhà trường, chuẩn hóa chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đã tự làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp ấy, chuyển thành phong trào thi đua giữa các địa phương, mang nặng hình thức, nhằm quảng cáo trường học trong mỗi vùng miền.

3. Người thầy hành xử không đúng làm hỏng người học

Người thầy giữ vai trò quan trọng trong quá trình “sản xuất” làm ra sản phẩm. Thầy cần phải được “giáo dục” mà không thể chỉ được “đào tạo” như chúng ta vẫn nghĩ. Đòi hỏi người thầy khi hành xử với người học phải vừa có phương pháp (cách giáo dục) và vừa phải có tâm (lòng trắc ẩn). Thầy năng lực giáo dục hạn chế thường dẫn đến bất lực khi hành nghề, dùng đòn roi với học sinh, để giải tỏa tức giận hay áp lực cuộc sống. Bên cạnh đó, nghề giáo không được xem trọng, phụ huynh hành xử thô lỗ, xúc phạm giáo viên khi con em phạm lỗi bị phạt trong lớp.

Cách giáo dục cũ chưa mất đi, cách giáo dục mới chưa được định hình, ổn định dẫn đến có bạo lực học đường: thầy đánh trò, trò đánh trò và kẻ xấu ngang nhiên vào trường đánh trò và đánh cả thầy. Xã hội phát triển quá nhanh, giáo dục lại bảo thủ, chậm chạp đi sau nó, âu có lẽ cũng là một nguyên nhân. Nhà trường ngày nay, người thầy chỉ quen “dạy” (đào tạo) theo phương pháp truyền thống mà chưa biết cách “dỗ” (dạy người) theo chuẩn mực nhà trường mới.

Một người thầy không nêu gương, lập tức trở thành tác dụng ngược, phản giáo dục ngay khi giảng bài cũng như suốt quá trình “sản xuất”.

4. Gian lận trong giáo dục là thảm họa

Gian lận trong giáo dục, trước hết đối tượng đầu vào là giả, không đạt chuẩn. Còn quá trình và kết quả giáo dục sẽ không minh bạch, làm sai mẫu, méo mó sản phẩm. Từ đó đầu ra giáo dục không còn đảm bảo giá trị đặc biệt của nó, chỉ là hàng phế phẩm. Đây là những con người không đáng tin, khó có thể chung sức làm chủ xã hội mai sau. Mặt khác, chúng ta biết mục đích giáo dục rất coi trọng và đề cao đức tính trung thực của con người. Vì đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách của con người có phong cách. Giáo dục là rèn luyện người học có bản lĩnh, trung thực với chính bản thân mình, với mọi người và trong mỗi công việc. Giáo dục không chấp nhận sự gian dối hay bất cứ hành động không trung thực nào của người học.

Giáo dục không phải là hàng hóa. Nhưng người ta vẫn có thể bỏ tiền mua được điểm, mua bằng cấp, từ bậc phổ thông tới bậc đại học và cả sau đại học. Nghĩa là tiền và quyền lực có thể mua được nền tảng giáo dục cho con cháu họ và ngay cả bản thân họ. Đây có thể coi là bức tranh gian dối, mảng tối giáo dục của chúng ta.

Vụ việc gian lận sửa điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình là vết nhơ khó gột rửa cho giáo dục nước nhà. Hàng chục cán bộ phải khởi tố, bắt tạm giam. Hàng trăm học sinh có bài thi gian lận phải chấm lại bài, hạ điểm và cho thôi học tại các trường chuyên nghiệp. Cả một ê kíp trong bộ máy vận hành thi đã cố kết cùng nhau gian lận. Đây thực chất là sự thỏa hiệp gian dối và tham nhũng mang tính tập thể.

Tôi còn nhớ, xưa giáo viên khi nâng mấy điểm là đã sợ đến “tím mặt”, “run tay”, nay họ phù phép nâng điểm cho hàng trăm thí sinh, có em được sửa điểm tăng gấp 4, gấp 5 lần điểm thật, nhưng họ vẫn thản nhiên hành động. Trong khi đó, những địa phương này “không thấy” tiêu cực và vẫn tiếp tục đánh giá kỳ thi diễn ra bình thường và nghiêm túc! Giáo dục là gieo chữ, trồng người, coi trọng nhân cách, nhưng họ đã chà đạp tất cả. Thật là tồi tệ và đau xót, chính họ đã làm giáo dục của chúng ta trở nên xấu xí.

Giáo dục đóng vai trò quan trọng là rường cột vững chắc cho sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Giáo dục là gốc rễ, là sự sống, là niềm tự hào của cả dân tộc. Tuy nhiên Giáo dục của Việt Nam đã có gian dối, đang sai và sẽ tiếp tục sai nếu chúng ta không biết hợp chí và cùng nhau bắt tay để thay đổi giáo dục nước nhà.

( Bài viết của ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Qũy VIGEF được đăng trên báo Hồn Việt số 138, số ra tháng 7 năm 2019 )
http://honvietquochoc.com.vn/…/6038-hv138-gio-dc-l-khng-gia…