ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG HỌC ĐƯỜNG SAU TẾT

Date

13/02/2023

Tết Quỹ Mão năm nay các trường học phổ thông học sinh được nghỉ ít nhất 8 ngày, có nơi nhiều nhất tới 12 hay 14 ngày. Đặc biệt, Tết năm nay là Tết sau Covid19, Tết 2K và cả nước không bị hạn chế đi lại hay tập trung đông người, học sinh có điều kiện thuận lợi tham gia nhiều hoạt động cùng gia đình như về quê chơi Tết thăm viếng họ mạc tổ tiên hay đi du lịch ngắn ngày, tham gia lễ hội . . . Việc ổn định học tập sớm nhất có thể là điều mà các nhà trường, cha mẹ học sinh cần quan tâm và tìm nhiều cách khác nhau nhằm vượt qua sức ỳ việc nghỉ học và để thoát ra khỏi dư âm ngày Tết, trước hết ở chính các thày cô và học sinh là nhiệm vụ mà các địa phương cần có sự quan tâm, chỉ đạo hơn bao giờ hết.

Thứ nhất. Đến trường sớm hơn. Thày cô và học sinh phải có mặt ở trường đúng giờ, đấy là quy định bắt buộc. Nhưng vì thói quen nghỉ ngơi có phần buông thả, ngủ nướng thoải mái và không có giờ ngủ, giờ dậy chính xác, khiến đồng hồ sinh học thay đổi cho cả thày lẫn trò. Mỗi người phải đến trường không những đúng giờ mà cần sớm hơn như thường lệ để có thời gian nhanh thích nghi với guồng quay dạy và học ở trường học.

Có thể thày cô và học sinh tập vươn vai, thể dục nhẹ nhàng trong nhà hay ngoài hành lang hoặc sân nhà mình. Cũng có thể ngồi thiền ít phút để tạo ra nhiều hormone hơn giúp cho tinh thần có sự sảng khoái, phấn chấn khi bước vào ngày mới và chuẩn bị cho ngày tới trường đầu tiên sau Tết.

Thứ hai. Vượt qua tâm lý Tết. Tâm lý những ngày nghỉ Têt và tâm lý học đường rất khác nhau, nếu không nói là đối nghịch. Mỗi chúng ta phải chấp nhận thực tế Tết đã qua, Tết dù vui vẻ bao nhiêu thì nay đến lúc cũng tàn, cuộc vui nào rồi cũng sẽ tan. Đó là quy luật của cuộc sống và chúng ta cần chấp nhận nó và sống với hiện tại với công việc dạy và học của mình. Đối với học sinh hoạt động học là khó nhất, gian khổ nhất của mỗi con người, rất cần tập trung cao tâm và trí.

Hãy từ bỏ tâm lý chán chường vì luyến tiếc Tết, thay vào đó là tâm lý vui vẻ phấn chấn với những dự định ước mơ học đường. Sống tích cực, tư duy tích cực sẽ giúp các thày cô và học sinh có cảm xúc mạnh mẽ, hứng thú dạt dào và động lực tràn đầy năng lượng để dạy tốt và học tốt. Khi sớm điều chỉnh được tâm trạng thì chắc chắn hiệu quả làm việc của thày và trò sẽ có năng xuất cao.

Thứ ba. Chia sẻ niềm vui cởi mở với mọi người. Mỗi lớp nên dành một quãng thời gian nhất định đầu buổi học để thày cô và học sinh chia sẻ những niềm vui, câu chuyện ấn tượng trong Tết. Đây là cơ hội giáo dục kỹ năng sống cho các em với những trải nghiệm rất sống động và rất nhân văn.

Trang phục của thày cô và học sinh nên được mặc những bộ đồ yêu thích, có thể vẫn duy trì những trang phục ngày Tết, bắt mắt, nhưng cần điều chỉnh phù hợp môi trường nhà trường. Chúng ta sẽ thấy toàn trường đẹp người, đẹp cảnh với những con người hạnh phúc tràn đầy tự tin ở những ngày đầu tới trường, trở lại học tập. Hy vọng 365 ngày của thày và trò tiếp tục là những ngày vui và luôn dồi dào năng lượng tích cực.

Tranh thủ giờ nghỉ, thày và trò, trò và trò, mỗi người hãy chủ động tìm đến nhau chia sẻ niềm vui, thu hoạch vốn sống qua những ngày Tết từ đó tránh được một ngày dài học tập mệt mỏi mà lại sản sinh ra được những mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp, đoàn kết thân ái trong lớp, trong trường.

Thứ tư. Chấp nhận chất lượng dạy và học thực tế. Thông thường thày và trò thường cảm thấy không muốn, thậm chí còn sợ hãi khi quay về công việc dạy và học thường nhật. Một hai ngày đầu, Hiệu trường có thể trao quyền nhiều hơn cho giáo viên và học sinh, giảm kỳ vọng ở họ hơn và đừng “xiết” kỷ cương ngay tuần đầu đi học. Hãy tập trung làm và xử lý từng việc một, ưu tiên công việc cũ còn dở hoặc những hoạt động dạy học quen thuộc, không quá mới mẻ và cần nhiều đến sự đầu tư công sức hay sáng tạo của cả thày và trò. Nhà trường vận hành giống như cỗ máy, cũng cần khởi động và làm quen rồi dần dần vận hành trơn tru như khi bình thường, những ngày chưa nghỉ Tết.

Thực tế nhiều năm qua ở nhiều địa phương, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, tình trạng ăn Tết quá lâu, hết Tết tới trường thường mệt mỏi, không sớm trở lại không khí sôi nổi dạy bình thường và dạy học tích cực đổi mới. Thiết nghĩ, hãy lấy lại tinh thần làm việc của tất cả giáo viên và học sinh sau nghỉ Tết là vấn đề cần được các địa phương coi trọng và làm ngay.

                                                                   ĐẶNG TỰ ẤN